Table of Contents
1 – Cao nguyên Đồng Cao
Nằm cách trung tâm huyện Sơn Động chừng 20 km, thôn Đồng Cao, xã Thạch Sơn có độ cao gần 1.000m so với mặt nước biển. Nơi đây được ví như “Sa Pa của Bắc Giang”. Thiên nhiên Đồng Cao hoang sơ, thoáng đãng với triền cỏ xanh mướt mát trải dài tít tắp. Gió của núi, hương của rừng, lãng đãng những áng mây vờn, không khí se se lạnh… tất cả bao bọc con người mang đến cho ta một cảm giác nhỏ bé như được trở về với người mẹ thiên nhiên. Những bộn bề, lo toan của cuộc sống thường nhật bỗng đâu tan biến.
Ngoài ra, Đồng Cao còn hấp dẫn du khách ở những hình thù cổ quái của những bãi đá cổ nằm rải rác trên những đồi cỏ, bao bọc xung quanh là màu xanh biếc của rừng đại ngàn gợi cảm giác một ốc đảo bình yên giữa lòng thảo nguyên.
Dưới chân Đồng Cao là nơi quần tụ của vài chục hộ người dân tộc Dao- họ là những con người rất đỗi thuần hậu và chất phác. Khi chiều buông, đứng trên đỉnh cao nguyên phóng tầm mắt xa xa, bản Đồng Cao ẩn hiện trong mây mù. Phía chân đèo nhà ai đang bắt đầu nổi lửa, khói lam chiều nghi ngút bay lên. Thương quá Đồng Cao ơi! Cắm trại qua đêm là một ý tưởng thú vị khi du lịch tại Đồng Cao.
2 – Điểm dừng chân thứ 2 không nên bỏ qua là “Rừng nguyên sinh Khe Rỗ”
Nằm trong khu bảo tồn Tây Yên Tử, cách Hà Nội 120km về phía bắc, rừng nguyên sinh Khe Rỗ thuộc xã An Lạc, huyện Sơn Động là một khu rừng nguyên sinh tiêu biểu cho vùng Đông Bắc của Việt Nam.
Cảnh sắc nơi đây hoang sơ với những tán rừng nguyên sinh, những dòng suối, thác nước và nhiều hồ nước nhỏ quanh năm nước trong xanh. Với đặc trưng địa hình núi cao, khí hậu trong lành, mát mẻ rất thích hợp cho những chuyến dã ngoại, leo núi khám phá. Đến đây khám phá thiên nhiên bạn đừng quên thăm suối “Nước Vàng” – báu vật của thiên nhiên ban tặng cho địa danh này, dòng suối với nước óng ánh như màu mật ong, lấp lánh đá cuội đủ màu sắc.
Cùng đó, suối Khe Đin đổ những đoạn thác cao 3-4 tầng, mỗi tầng khoảng 30-40m hình thành từng hồ nước trong vắt nhìn thấu đáy như Vũng Tròn, Vũng Soong… Rừng Khe Rỗ còn sở hữu thảm thực vật phong phú đặc trưng của vùng rừng nhiệt đới. Bởi vậy, Khe Rỗ được xem là nơi lý tưởng để phát triển các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.
3 – Khu du lịch Suối Mỡ
Suối Mỡ, tỉnh Bắc Giang cách Hà Nội khoảng 70km về phía Đông Bắc là một thắng cảnh nổi tiếng của Bắc Giang. Suối Mỡ hội tụ hai yếu tố về Du lịch sinh thái và Du lịch tâm linh.
Điểm nhấn trong du lịch sinh thái Suối Mỡ đó chính là vẻ đẹp của năm bậc thác mẹ con từ Đền Trung lên Đền Thượng. Thác Suối Mỡ với chiều dài khoảng 300m được tạo nên bởi năm bậc thác với những vẻ đẹp riêng biệt. Nối liền năm bậc thác là dòng suối nhỏ nước chảy róc rách quanh năm. Giữa màu xanh bạt ngàn của núi rừng, năm bậc thác như những dải lụa trắng tinh khôi tuôn dài ngàn vạn sải. Dưới chân mỗi bậc thác đều có các bồn tắm tự nhiên hết sức kỳ thú. Hai bên dòng suối cây cối um tùm, chim kêu ríu rít, gió đưa thoang thoảng mùi hương.
Ảnh: Tiểu cảnh gần Đền Hạ Suối Mỡ – Le Xuan Hung
Với những ai quan tâm đến vấn đề tâm linh thì suối Mỡ là khu du lịch lung linh sắc màu huyền thoại. Truyền thuyết kể rằng, vua Hùng Định Vương thứ 9 có nàng công chúa Quế Mị Nương, hiền thục, nết na, nhân hậu. Nàng được nhiều vương tôn, công tử đến cầu hôn nhưng đều từ chối bởi nàng đam mê du ngoạn, đặc biệt là đến thung lũng Huyền Đinh – Yên Tử. Một lần, trong chuyến du ngoạn đến đây, chứng kiến nơi này đất đai khô nẻ, dân tình đói rách công chúa đã rất đau lòng.
Vào một ngày đầu xuân, khi đặt chân xuống thung lũng, nàng đã dùng năm đầu ngón tay ấn xuống từng phiến đá và lạ thay, một dòng nước mát ào ạt chảy ra thành suối, đưa nước tưới cho đồng ruộng. Từ đó, đất đai vùng này trở nên màu mỡ, trù phú, đời sống người dân cũng trở nên no đủ hơn xưa. Ghi nhớ công ơn của công chúa Quế Mị Nương, dân làng đặt tên con suối ấy là Suối Mỡ, lập đền thờ và gọi là đền Thánh mẫu thượng ngàn. Dọc hai bờ suối, người bản địa xây dựng ba ngôi đền kế tiếp nhau gồm đền Hạ, đền Trung và đền Thượng để bày tỏ tấm lòng biết ơn với công chúa.
Với sự hội tụ của hai yếu tố sinh thái và tâm linh, khu du lịch Suối Mỡ có thể trở thành khu du lịch đáp ứng được các nhu cầu của du khách về nghỉ dưỡng, tham quan, cắm trại, leo núi, bơi thuyền, câu cá, đua ngựa, săn bắn… cùng nhiều hoạt động khác trong những ngày hè.
4 – Lục ngạn- mùa vải thiều ngọt lịm.
Đến Bắc Giang, du khách không nên bỏ qua một địa danh. Đó chính là Lục Ngạn. Lục Ngạn nổi tiếng vì những vườn cây ăn quả trù phú, trong đó phải kể đến vải thiều.Vào tháng 3 hoa vải nở trắng trên khắp các triền đồi trải dài tít tắp. Và đến cuối tháng 5 vải thiều vào mùa thu hoạch. Đây là thời điểm đẹp nhất của núi rừng Lục Ngạn.
Du khách thực sự bị choáng ngợp trước cảnh tượng trước mắt mình. Khắp nơi trong xóm ngoài làng, thôn cùng ngõ hẻm đến các con phố đâu đâu cũng tấp nập từng đoàn xe thồ vải. Vải thiều đã nhuộm đỏ cả bầu trời Lục Ngạn. Qủa vải nơi đây thường to tròn vỏ mỏng, cùi dày, hạt nhỏ, khi ăn có vị thơm ngon và ngọt đậm hơn vải thiều những vùng khác. Chính vì vậy mà vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang được ưa chuộng trong cả nước. Cứ vào mùa vải các thương lái từ nhiều tỉnh như Hà Nội, Quảng Ninh và các tỉnh phía Nam như thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… đều đến thu mua.
Vải thiều còn được xuất khẩu sang một số nước khác như Trung Quốc, các nước ASEAN và được chế biến thành vải thiều sấy khô, đóng hộp để xuất khẩu và phục vụ người yêu thích vải thiều có thể được thưởng thức quanh năm.
Trong hành trình đến Lục Ngạn, không chỉ thăm và thưởng thức vị ngọt lịm của vải thiều các bạn có thể đến thăm hồ Khuôn Thần cách thị trấn Chũ 10km. Hồ Khuôn Thần rộng 240 ha với nhiều đảo nổi có vẻ đẹp thanh bình, khí hậu mát mẻ được bao bọc bởi những đồi thông xanh tốt quanh năm. Tại Khuôn Thần các bạn có thể dạo chơi trên hồ bằng những chiếc thuyền nhỏ và đến thăm các trang trại của người dân địa phương, mang về làm quà cho người thân rất nhiều các sản vật nổi tiếng khác nơi đây như mì Chũ, rượu Kiên Thành, nếp cái Phì Điền.
5 – Thành cổ Xương Giang
Thành cổ Xương Giang nằm ở xã Xương Giang, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.
Năm 1407, giặc Minh cho đắp thành này. Tuy hiện nay thành đặt ở vùng bằng phẳng nhưng ngày xưa, nó là ở vị trí hiểm yếu với hệ thống sông con, đầm lầy, rộc trũng bao quanh. Do địa thế hiểm yếu, nên năm 1427, Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn phải vây đánh 9 tháng mới hạ được thành. Để kỷ niệm chiến thắng lịch sử này, hàng năm tỉnh Bắc Giang tổ chức lễ hội kéo dài trong 2 ngày mùng 6 và mùng 7 tháng giêng.
Do sự tác động của lịch sử, thời gian và con người, ngôi thành hiện không còn nguyên vẹn mà chỉ còn những dấu tích. Từ các dấu tích ấy, có thể nhận thấy thành hình chữ nhật, rộng 27ha, có 4 cửa và được bao quanh bởi hào nước rộng.
Khi đến thành, khám phá từng ngóc ngách, chúng ta sẽ nhận ra những dấu ấn riêng biệt của ngôi thành như tại góc thành Tây Bắc vẫn còn cả tấm bia đá xanh nguyên vẹn, trên trán bia đề các chữ Hán “Xương Giang cổ thành bi ký” (bia ghi về thành cổ Xương Giang)…
6 – Khu du lịch Khuôn Thần
Vẻ đẹp thanh bình của hồ…
Và những vườn vải nhuộm đỏ trời trong mùa hè.
Từ Bắc Giang đi ngược lên vùng Đông Bắc 40km (phố Chũ) rồi rẽ trái 10km là tới khu du lịch Khuôn Thần thuộc địa phận huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.
Khu du lịch có 2 điểm nhấn là hồ và rừng Khuôn Thần. Hồ Khuôn Thần rộng 240ha, lòng hồ có 5 đảo nhỏ được trồng thông xanh có tuổi từ 15-20 năm. Hồ thích hợp cho việc dạo chơi trên hồ, câu cá…
Rừng Khuôn Thần rộng khoảng 700ha, trong đó rừng tự nhiên là 300ha, rừng thông 400ha. Xung quanh khu du lịch Khuôn Thần là vườn cây đặc sản: vải Thái Lan, vải thiều, hồng, na… Du khách đến đây có thể cắm trại, thưởng thức mật ong, rượu tắc kè, hạt dẻ… hay tham dự các buổi sinh hoạt văn hóa với dân địa phương.
Ngoài ra các bạn còn có thể mua một món quà rất ý nghĩa Bánh đa kế