Xưa, nụ bí rợ luộc là món ăn dân dã. Nay nụ bí rợ đã “lên đời”, được các nhà hàng, quán ăn và người nội trợ miền Tây ưa thích trong việc chế biến thành các món ăn đặc sản.
Bí rợ (miền Bắc còn gọi là bí ngô) là loại cây dễ trồng, phổ biến khắp nước ta. Ngoài việc trồng lấy quả, trong những năm gần đây, bà con nông dân miền Tây đã cải tiến cách trồng bí rợ chuyên khai thác ngọn bí, bông bí, nụ bí để bán ra thị trường đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 3, 4 lần so với trồng lấy quả.
Những nụ bí rợ xanh non, bên trên núm là nụ hoa màu vàng tươi thật bắt mắt (Ảnh: Internet)
Nụ bí (còn gọi là mầm bí) được thu hoạch khi lúc trái độ khoảng cỡ ngón tay cái người lớn trở lên. Nụ bí có vị ngọt mát, bùi bùi, giòn giòn là nguyên liệu chế biến được nhiều món ăn dân dã trong đời sống thường nhật của người nông dân.
Ngày nay, nụ bí rợ đã “lên đời”, được các nhà hàng, quán ăn và người nội trợ miền Tây ưa thích trong việc chế biến các món ăn đặc sản. Đây là loại rau sạch chế biến món ăn nào cũng ngon như: nụ bí rợ luộc chấm nước cá kho, thịt kho, nụ bí rợ xào thịt bò, tỏi và lẩu nụ bí rợ v.v… Nhưng đối với riêng tôi, món gây ấn tượng nhất trong những ngày hè phải kể là: Canh nụ bí rợ nấu với tôm khô.
Tô canh nụ bí rợ nấu với tôm khô với màu sắc hài hòa bắt mắt và mùi thơm thật quyến rũ. (Ảnh: BCT)
Chế biến món ăn này rất dễ dàng và nhanh gọn. Trước hết nụ bí rợ mua ở chợ về rửa sạch. Dùng dao cắt phần cuống, tước bỏ phần vỏ ngoài lấy phần nõn chẻ đôi, bông lặt bỏ phần nhụy. Riêng phần nụ (tùy trái lớn nhỏ), có thể chẻ đôi (hoặc xắt thành từng miếng dày), rửa sạch, để ra rổ cho ráo. Tôm khô cho vào chén rửa sạch với nước lạnh vài lần cho bớt mặn. Kế đến, phi dầu (mỡ) thơm rồi cho tôm khô vào nồi với lượng nước vừa đủ nấu sôi, nêm nếm gia vị (nước mắm + bột ngọt) cho vừa ăn rồi mới cho nụ bí vào (nụ bí trước, bông bí sau). Khi nụ bí hơi mềm (đừng để mềm quá mất ngon), nêm nếm lần cuối, nhắc xuống. Nhớ thêm một ít hành lá xắt khúc, ngò rí xắt nhuyễn cùng chén nước mắm ngon nguyên chất, trong đó có vào trái ớt hiểm cho có hương vị đậm đà!.
Dùng muỗng chan miếng nước canh có kèm vài nụ bí rợ vào chén cơm đưa lên miệng nhai một cách từ tốn. Vị ngọt, giòn của nụ bí hòa lẫn mùi thơm đặc trưng của bông lan tỏa khắp giác quan,…
Thật tuyệt vời, không có bút mực nào tả xiết!… Nếu có dịp về miền Tây, mời bạn hãy khám phá cho được món ăn dân dã được nâng tầm “đặc sản” này!…