Nuôi nhím với tổng đàn 600 con bố mẹ, mỗi năm anh Phan Thanh Tùng (thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) thu lời khoảng nửa tỷ đồng từ bán nhím thịt và nhím giống.
Hiện, anh Phan Thanh Tùng (thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) đang khởi động lại trại nuôi nhím sau những ngày giãn cách xã hội.
Dịch Covid-19 trong thời gian mấy tháng qua đã làm ngưng trệ việc bán nhím giống và nhím thịt tại trang trại nuôi nhím của gia đình anh Tùng.
Nuôi nhím không lo giá cả “xập xình”
Anh Tùng cho biết, anh mở trại nuôi nhím hơn chục năm nay. Từ ban đầu chỉ nuôi thử 2 con nhím, giờ đàn nhím bố mẹ của anh Tùng lên đến 600 con.
Theo anh Tùng, anh nuôi nhím chủ yếu bán nhím giống.
Đợt dịch Covid-19 bùng phát mạnh vừa qua, việc buôn bán nhím thịt và nhím giống của anh Tùng bị tê liệt. Suốt mấy tháng trời, mỗi ngày anh tốn gần triệu đồng tiền thức ăn nuôi nhím bố mẹ.
Tuy nhiên, theo anh Tùng, hiện nuôi nhím so với bà con nông dân nuôi heo trên địa bàn vẫn “sướng chán”.
Bởi theo anh Tùng, số mối lái quen lâu nay đã bắt đầu liên hệ lại để mua nhím giống và nhím thịt.
Đặc biệt, giá nhím thịt vẫn ở mức 350.000 đồng/kg và nhím giống là 3,5 triệu đồng/cặp.
Trong khi nông dân nuôi heo đang khốn khó, thua lỗ bởi giá heo rớt sâu, giá thức ăn chăn nuôi lại tăng vù vù. Rồi người nuôi heo tại nhiều địa phương đang phải đối phó với dịch tả heo châu Phi.
“Thương lái đang liên hệ lại để mua nhím. Giá nhím thịt và giá nhím giống tôi vẫn giữ ổn định như những năm qua”, anh Tùng thổ lộ.
Thị trường nhím của anh Tùng chủ yếu bán ở TP.HCM, Đồng Nai
Mỗi tháng, anh Tùng thu khoảng 50 triệu đồng từ bán nhím giống và nhím thịt.
Nuôi nhím “dễ thở” hơn nuôi heo
Theo anh Tùng, nuôi nhím khá dễ. Nhím ít dịch bệnh, yêu cầu về chăm sóc, nuôi dưỡng cũng khá đơn giản.
Trên mảnh đất rộng 250m2, anh Tùng chia nhỏ ra xây thành nhiều chuồng. Mỗi chuồng, anh Tùng nuôi 2 – 4 con nhím.
Anh Tùng cho biết, mỗi ngày nên tắm rửa cho nhím, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ.
Thức ăn của nhím khá đơn giản, gồm trái cây, rau củ…Trung bình, một ngày nhím ăn 2kg thức ăn/con.
Theo kinh nghiệm nuôi nhím của anh Tùng, với nhím mẹ, cần bổ sung thêm thức ăn tinh, thức ăn chứa nhiều chất đạm, chất béo, chất bột, đường…để nhím mẹ khỏe mạnh, nhiều sữa, giúp nhím con mau lớn.
Với nhím đực, anh Tùng bổ sung thêm thức ăn là rễ cây, mầm cây các loại, nhím sẽ phối giống mạnh mẽ hơn.
Cũng theo anh Tùng, mặc dù nhím ít bị dịch bệnh nhưng người nuôi nhím cần chú ý đến một vài bệnh thông thường, như: bệnh đường ruột, bệnh ký sinh trùng ngoài da…
Nhím vốn là một loài động vật hoang dã sống trong thiên nhiên.
Tuy nhiên, hiện nhím đã được nông dân nuôi thả nhiều nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu ẩm thực ngày càng tăng.
Và nuôi nhím từng một thời là nghề “hốt bạc”. Tuy nhiên do chăn nuôi theo phong trào kiểu “thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào” và “nhà nhà nuôi nhím”.
Tình trạng nêu trên dẫn tới cung vượt cầu, thị trường nhím thịt, nhím giống đổ bể. Điều này dẫn tới nhiều hộ thua lỗ bỏ nghề.
Thịt nhím có tiếng là nạc chắc, thơm ngon và giàu chất dinh dưỡng.
Từ xa xưa, thịt và các bộ phận khác của con nhím đã có mặt trong các bài thuốc mang tính dân gian, ví dụ như dạ dày nhím hỗ trợ chữa các bệnh về dạ dày…