“Làng nuôi hổ”(Bài 2): Nấu cao hổ cho quan, buôn cả công-ten-nơ ngà voi, sừng tê giác
Video: Trước giờ “G” ở hang hổ khét tiếng Việt Nam
Vỏ bọc hoàn hảo, không lo bị bắt, vì có “cửa thoát hiểm” (?)
Sau khi đưa nhóm phóng viên đi “ngó” một số điểm mà Lương cho rằng “chỗ đó nuôi hổ”, gặp vài nhân vật chứa đầy ngà voi nguyên chiếc trong gậm giường, các sản phẩm từ hổ la liệt, chúng tôi tỏ vẻ rất kết về thái độ làm ăn và chất lượng các mặt hàng mà Lương và bạn hàng cung cấp. Thế là lại tiếp tục gặp nhau để bàn về một thương vụ lớn ở quán cà phê.
Lương kể: “Trong xã này có một người tên là Tr., là đại gia đấy, ông có 3 căn nhà ngoài khu vực gần Hồ Tây (TP Hà Nội), chuyên buôn “hàng con” (buôn động vật hoang dã) cỡ đại. Buôn hổ cả con để nấu cao, bán sỉ (bán cả mớ mua buôn) nanh hổ, cung cấp sừng tê giác, lại còn cả ngà voi nhiều lắm, buôn từ Châu Phi”.
“Ngoài hổ có cả sừng tê giác cơ à, gớm, ở đây nhiều mặt hàng với đủ các tên loài, không khác gì vườn thú ở Châu Phi nhỉ?”, phóng viên tỏ vẻ hào hứng.
“Tôi nói anh em mình đi uống rượu về mà có cái bát mài nhé, uống 1 cốc nước mài sừng tê giác của hắn thôi là tỉnh như sáo luôn (?). Sừng tê giác thì cực kỳ đắt. Hàng thật đấy chứ không phải giả đâu. Ông đấy còn nhập nguyên con tê giác từ Châu Phi về” – Lương nói.
Như muốn khoe thêm thành tích của đại gia này, Lương rít một hơi thuốc lá dài tóp má, nhấp ít cà phê đặc sánh, rồi kể tiếp ở khu vực khá tấp nập mà ai nấy đều thầm thì bí mật: “Cách đây 2 năm, ở ngoài Hà Nội, công an bắt cả một công-ten-nơ toàn ngà voi với sừng tê giác Châu Phi. Là của ông ý đấy (?)”.
“Nhà ông này có nhiều hàng nhưng tôi không thân thiết với ông ấy lắm. Chưa dám dẫn các chú vào làm ăn. Lát nữa tôi đưa mấy anh em đến nhà một người ở xã này cũng chuyên hàng con đấy.
Ở đây có cả ông “trùm”, ông tổ chức giúp đỡ người thiệt thòi, nghèo khó, tàn tật các thứ. Nhiều mảnh đời bất hạnh được hưởng cái sự tử tế này lắm, người ở khắp nơi chứ chả riêng cái làng này. Tôi không tiện nói tên ra.
Điều đáng ngạc nhiên là, các địa điểm mà chúng tôi tận mắt chứng kiến sau khi Lương dẫn đi hoặc chúng tôi bí mật điều tra thêm, thì khi cơ quan điều tra xác minh hoặc phá án, đều chính xác. Các video và ảnh chúng tôi thu thập được cho thấy cực kỳ rõ ràng những điều đó.
“Để tôi đưa các chú đến khu vực của ông ấy mà ngó. Thích thì chụp ảnh cũng được, chả làm sao cả”.
Nói là làm, lại leo lên xe ô tô đi thăm ngắm những thứ liên quan đến người mà Lương gọi là đại gia buôn hàng con song vẫn tổ chức giúp đỡ người thiệt thòi.
Chắc là muốn tạo một bình phong vững chắc để làm ăn. Hay ông ấy coi đó là một cách chuộc lỗi sau thời gian tham gia vào chuỗi thúc đẩy việc giết các loài hoang thú vô tội ở Việt Nam và khắp địa cầu?
Tôi tự hỏi và cất tiếng hỏi Lương. Anh ta không nói gì. Chúng tôi tiếp: “Đại gia mà có tâm thế thì tốt quá, vừa có Tài lại có Đức”. Lương thủng thẳng phân tích có vẻ rất rành mạch công và tội với đời của ông kia:
“Nó vận chuyển hổ đi hàng tấn mà, lo gì đâu. Bị bắt chỉ cần không “tử hình” là được, nó rải tiền là “xong hết” (?). Nó có người bao hết, người “bao” họ không lộ mặt ra thôi. Tầm cỡ … (chúng tôi bỏ một số chữ vì chưa thể kiểm chứng – PV); với lại (…) thì biếu quà bao nhiêu cho đủ. Ở đây toàn nhà giàu thôi, có tôi là… đói”, Lương bật cười khà khà.
Xe cộ đẹp, người trang bị toàn thứ đắt tiền, ai nghĩ Lương nghèo được cơ chứ.
Em toàn nấu hổ cho “các quan”, để họ mang biếu!
Ngoài Lương ra, chúng tôi còn tiếp cận với Mạnh (đã đổi tên, người mà sau khi nhóm phóng viên cung cấp thông tin, hình ảnh cho Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Nghệ An xác minh). Theo tài liệu, Mạnh là người chuyên môi giới buôn bán hổ, da, nanh, răng hổ; ngà voi, cao da tê giác, dương vật sư tử…).
Đến “dinh thự” khang trang của Mạnh ở xã Đô Thành. Mạnh cho biết: Mạnh từng xuất khẩu lao động sang châu Âu làm ăn, từng bị “tạm giữ” ở xứ người vì sống chui nhủi khi quá hạn visa. Giờ kinh qua nhiều mánh làm ăn, toàn có hàng xịn từ châu Phi về.
“Khách mua phải tỉnh táo lựa chọn, vì giờ họ làm giả rất nhiều, ngà voi hay sừng tê giác, cao hổ giả, làm mẫu mã đẹp bán tràn lan trên mạng nhé. Thậm chí tốt nhất nên mua một con hổ về nấu cao mình giám sát đầy đủ, 24/24 trong bảy ngày đêm. Chứ đừng tin ai, hãy tin Mạnh với hổ nguyên con. Còn thịt thì ăn” – Mạnh nói.
(Các mô tả của họ về làng với các gia đình nuôi hổ, cách cung cấp hàng, gần như đúng với sự thật rành rành khi công an phá án sau đó không lâu – PV).
Mạnh nói: “Cao mà đúng cao hổ bây giờ họ cũng toàn nấu kiểu công nghiệp, đại trà, giá rẻ mà kém chất lượng. Cao hổ mà em nấu là giá 17 triệu đồng/lạng, toàn xương hổ hết. Còn cao sư tử là 12 đến 13 triệu đồng/lạng.
Hàng của em toàn lấy từ Thái Lan vận chuyển qua Lào về Việt Nam. Vừa rồi, em mới nấu cho khách, toàn xương hổ thôi. Em nói thật, nếu mà bán để khách dùng, hoặc khách buôn là em đưa lên mạng xong em ship (vận chuyển) qua để lấy lời thôi…”.
Nói rồi, Mạnh cho nhóm phóng viên (vào vai khách sộp) xem các mặt hàng ai không tin cũng phải tin. Đây, chỗ làm thịt hổ: “Con hổ anh đang xem là em vừa thịt xong, thịt hổ em bán 700.000 đồng một ký, toàn hàng lấy từ Lào, Thái Lan về đấy. Răng hổ thì em bán theo số phân (xăng-ti-mét), răng càng dài thì càng nhiều tiền, răng trên đắt hơn răng dưới.
Còn ngà voi nếu mà bán cả bộ, có bộ em bán đến 250 triệu đồng, thấp nhất là 50 triệu đồng. Mình thích thì mình chơi, để trang trí thôi. Da hổ em đặt thợ ngoài tỉnh Vĩnh Phúc thuộc da, sau khi em nấu cao hổ. Da này em toàn xuất đi Trung Quốc hết, ở Việt Nam thì người ta dùng da để trải thảm, còn bên Trung Quốc họ trải thẳng ra giường luôn”.
“Đây em nói thật, anh em toàn nấu cho các “sếp”, các đại gia lớn. Ngà nhà em toàn hàng Châu Phi hết. Bọn nó mang từ (Cộng hòa Dân chủ) Công-gô, Châu Phi về, rồi chuyển xe vào trong này cho em”, Mạnh tiết lộ có vẻ “thật thà”.
Nói rồi, cu cậu vào tủ đông mang ra thêm cả một rổ toàn nanh, răng, vuốt hổ. Cái nào cái đó lạnh toát, thối kinh khủng. Do răng được bẻ ngay sau khi giết hổ, móng vuốt thì nhổ lúc còn tươi.
Phải để “nguyên thịt nguyên lông” như thế khách mới tin. Họ mua cả rổ, gọi là mua buôn rồi bán kiếm lời. Ngà voi thì lục cục đầy gậm giường, có cặp dài cả mét.
Các tiết lộ của Lương, Mạnh và nhiều đối tượng khác, có những thông tin cần được kiểm chứng đầy đủ, cần thêm tài liệu của các cơ quan điều tra, cần thêm các chuyên án đanh thép như vụ giải cứu 17 cá thể hổ trưởng thành vừa qua ở chính xã Đô Thành… làm minh chứng.
Chúng tôi nhập vai, ghi âm, ghi hình, giao dịch với họ bằng tư cách là: đối tác làm ăn. Quan trọng hơn, quá nửa số chuyện họ nói đều là thứ chúng tôi thực mục sở thị.
Nhà cửa, các chỗ giữ “tang vật” liên quan đến động vật quý hiếm và vi phạm trong nuôi nhốt, tàng trữ, buôn bán. Nhất là khi mà cơ quan công an vào cuộc thì quá nhiều chuyện Lương và Mạnh bật mí càng được “lộ sáng” là sự thật 100%. Đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối tượng nuôi tới 14 con hổ trái phép trong nhà cùng lúc. Đối tượng còn lại là 3 con hổ.
Với suy nghĩ thận trọng và cầu thị kể trên, chúng tôi xin đăng tải những câu chuyện ghi nhận được trong quá trình điều tra của nhóm phóng viên để rộng đường dư luận.
Vài tháng sau, nhờ “vào vai nuột” nên tôi vẫn được Mạnh tiếp tục gửi đủ thứ video ca tụng vẻ đẹp của nanh, móng hổ, sư tử, rồi ngà voi vừa chế tác bịt vàng. Mạnh tin rằng sớm muộn chúng tôi cũng quay lại mua. Có vẻ, trong dịch COVID-19, hàng khá ế ẩm. Nên Mạnh rất chịu khó tương tác với các mối khách đã “làm việc lâu lâu” mà không thấy bị dzich (tố cáo) như chúng tôi.
Khi chia tay, Lương cũng thở dài, chép miệng: Dịch bệnh, nên khó xuất chuồng được lũ hổ, phải “nuôi báo cô” chúng nó, giờ to béo, ăn rất tốn kém. Nó chết một cái thì sạt nghiệp.