TTO – Chỉ khoảng một tháng nữa là đến thời điểm cuộc thi gạo ngon nhất thế giới (The World’s Best Rice) năm 2021 nhưng chưa chắc gạo Việt Nam đã được dự thi vì vi phạm các quy định về quyền sở hữu trí tuệ.
Ông Hồ Quang Cua dẫn một đoàn công tác của tỉnh Bạc Liêu tham quan cánh đồng lúa ST của ông tại huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng – Ảnh: CHÍ QUỐC
Đó là cảnh báo của ông Hồ Quang Cua, “cha đẻ” gạo ST25, được vinh danh là gạo ngon nhất thế giới năm 2019. Đại diện của The Rice Trader (TRT) – đơn vị tổ chức cuộc thi – xác nhận thông tin trên và cho biết khoảng một tuần nữa sẽ công bố danh sách các nước trong danh sách đưa gạo tham gia cuộc thi này.
Vẫn là thói quen “cầm nhầm”
Trong cuộc gặp bộ trưởng Bộ NN&PTNT gần đây, ông Hồ Quang Cua cảnh báo nguy cơ gạo thơm Việt Nam mất cơ hội dự thi “Gạo ngon nhất thế giới” cuối năm 2021.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 1-11, ông Cua cho biết thêm thật ra cảnh báo này xuất phát từ thông cáo báo chí ngày 26-5-2021 của Tổ chức TRT do các doanh nghiệp (DN) Việt hào hứng với thương hiệu “Gạo ngon nhất thế giới” nên đã vô tư sử dụng, bày bán ở khắp nước.
TRT cảnh báo đây là hành vi sử dụng bất hợp pháp quyền sở hữu trí tuệ và các quy định biểu trưng của giải thưởng Gạo ngon nhất thế giới.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Phan Mai Hương – giám đốc phát triển kinh doanh của TRT tại Việt Nam – cho biết từ khi gạo ST25 đạt danh hiệu Gạo ngon nhất thế giới năm 2019 đến nay, rất nhiều DN lớn nhỏ tại Việt Nam “vô tư” sử dụng thương hiệu và danh xưng nói trên của TRT trên bao bì gạo của họ để kinh doanh.
“Khi TRT Việt Nam liên hệ với các đơn vị nói trên thì chỉ nhận được những phản ứng tiêu cực, thậm chí là phớt lờ cảnh báo” – bà Hương nói.
Theo bà Hương, có những đơn vị dù biết vi phạm nên đã lách luật bằng cách đổi màu logo từ xanh dương sang xanh lá cây. Ngoài các công ty có thương hiệu, địa chỉ vi phạm còn có cả những đơn vị không có trụ sở.
“Đáng buồn hơn khi chúng tôi mua các loại gạo này về để kiểm tra thì phát hiện nhiều loại không phải là ST25. Như vậy là vừa vi phạm quy định của TRT, của DN sản xuất ra giống lúa ST25 mà còn lừa dối người tiêu dùng” – bà Hương cho hay.
Nguy cơ ảnh hưởng hình ảnh gạo Việt
Bà Mai Hương cũng cho biết đến thời điểm này TRT Việt Nam vẫn hồi hộp chờ trụ sở ở Mỹ ra quyết định cuối cùng về việc gạo Việt có thể tham gia cuộc thi năm nay không. Bởi từ khi gửi thông báo đến nay đã hơn 5 tháng nhưng tình hình vi phạm không thấy giảm, còn các biện pháp quản lý của cơ quan chức năng không rõ ràng.
“Dù là đại diện TRT nhưng cũng là người Việt Nam, tôi rất mong không xảy ra chuyện đáng tiếc là gạo Việt mất quyền dự thi The World’s Best Rice.
Bởi đây không chỉ là cơ hội quảng bá gạo Việt mà việc bị cảnh báo sẽ ảnh hưởng tới hình ảnh và uy tín của thương hiệu gạo Việt Nam. Nhưng các tổ chức quốc tế họ rõ ràng, khi đã phát hành thông cáo báo chí tức là đã có bằng chứng và cân nhắc trước đó” – bà Hương chia sẻ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết đến thời điểm này vẫn chưa nhận được thông báo từ TRT về nội dung gạo Việt Nam có được tham gia cuộc thi năm nay hay không.
Đại diện TRT Việt Nam cũng cho biết sau khi không tổ chức trực tiếp vào năm 2020 vì dịch bệnh, cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới năm nay đã được ấn định tổ chức tại Dubai vào tháng 12 tới. Nhiều quốc gia đã liên hệ để đưa gạo đi thi.
“Nhưng chúng tôi chưa thấy sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng nên rất lo lắng. Tôi đã giải thích với trụ sở tại Mỹ rằng thời gian qua là đỉnh điểm dịch COVID-19 tại Việt Nam nên mọi nỗ lực của chính quyền đều tập trung vào chống dịch.
ST25 đã rất thành công trong 2 năm qua và trở thành thương hiệu gạo quốc tế. Hy vọng Việt Nam sẽ công nhận đây là loại gạo quốc gia như Thái Lan công nhận các loại gạo đi thi của họ để có những biện pháp bảo vệ và khai thác hiệu quả” – bà Hương nói.
Mất uy tín là chắc rồi…
Đến nay, thời hạn để các nước nhận được thông báo tham dự cuộc thi này đã gần kề nhưng DN Việt Nam chưa nhận được thông tin có thể tham gia hay không.
Ông Cua cho biết với thông cáo báo chí phát hành toàn cầu của họ mà ngành chức năng của Việt Nam không có phản ứng gì thì có nghĩa là vi phạm ở mức quốc gia. Uy tín mất thì chắc rồi, còn sau đó ra sao thì phải đợi xem.
“Nếu họ mạnh tay cấm dự thi Gạo ngon nhất thế giới thì chúng tôi cũng phải chịu thôi. Nhưng thật là tiếc. Bốn năm qua, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và tôi đã marketing hình ảnh hạt gạo Việt Nam trên thế giới một cách vô cùng hiệu quả. Mỗi năm một lần, họ đều vinh danh gạo Việt Nam trên diễn đàn toàn cầu thì cách marketing nào hiệu quả hơn!” – ông Cua nói.
GS Võ Tòng Xuân: Bộ NN&PTNT cần vào cuộc
Việc Tổ chức The Rice Trader cảnh báo gạo thơm Việt Nam nguy cơ có thể mất quyền tham gia cuộc thi này trong năm 2021 và những năm tiếp theo là đáng tiếc. Đây là hệ quả của việc vô tư vi phạm bản quyền thương hiệu “Gạo ngon nhất thế giới” ST25 của DN.
Theo tôi, Bộ NN&PTNT cần lên tiếng với những cam kết mạnh mẽ để quốc tế biết là Việt Nam không chấp nhận kiểu vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, bản quyền thương hiệu của các DN.
Đặc biệt, có ngay động thái đấu tranh giành quyền để không chỉ cho gạo ST24, ST25 mà các loại gạo thơm khác của Việt Nam tham gia cuộc thi “Gạo ngon nhất thế giới” năm 2021, dự kiến tổ chức tháng 12. Về lâu dài phải nhanh chóng hỗ trợ các tổ chức, cá nhân xây dựng quyền sở hữu trí tuệ của các giống lúa của họ.