Ai đã một lần được thưởng thức món canh lá lằng chắc chắn sẽ không thể quên cái vị đắng, chát rồi ngọt dần nơi cổ họng.Nằm ở vị trí địa đầu xứ Nghệ, mảnh đất Quỳnh Lưu được thiên nhiên ưu ái cho một cảnh quan tuyệt đẹp với những bãi biển xanh cát trắng, những vùng đồi núi nhấp nhô hòa mình vào dòng sông uốn lượn. Sự đa dạng về địa hình đã góp phần làm phong phú các sản vật của địa phương, giúp người dân nơi đây sáng tạo ra những món ăn rất độc đáo và lạ miệng, trong đó nổi tiếng là món canh lá lằng.
Ai đã một lần được thưởng thức món canh lá lằng chắc chắn sẽ không thể quên cái vị đắng, chát rồi ngọt dần nơi cổ họng. Vào mùa hè oi ả, nắng gió Lào quạt cho rát mặt mà được uống một bát canh lá lằng thì mọi mệt mỏi gần như tan biến.
Cây lá lằng là loại cây thân gỗ cao cỡ chừng ba bốn mét, mọc hoang ở vùng núi, dọc triền dốc và gần bờ khe, con suối. Lá lằng có cành tỏa xòe thành tán, lá kép, mọc đối, thân lá có năm bảy khía. Lá màu xanh thẫm có răng cưa, gân lá màu đỏ bầm. Vào mùa tháng 4 đến tháng 7 là cây lằng cho nhiều lá và ngon nhất, người dân nơi đây thường lấy lá tươi về phơi khô dành ăn quanh năm.
Cây lằng vốn ưa đất đồi núi, tuy nhiên nhiều người vẫn đem cây về trồng trong vườn nhà mình với mong muốn được tự tay chăm sóc và thu hoạch những cành lá lằng xanh ngát.
Lá lằng được người dân Quỳnh Lưu chế biến thành nhiều món như xào cùng lòng lợn, nấu canh tép hoặc quấn cá trích nướng chấm nước mắm tỏi ớt….Trong đó phổ biến và được ưa chuộng nhất là món canh lằng nấu tép đồng.
Cách nấu món canh này không quá cầu kì. Tép sau khi đánh bắt về thì rửa sạch rồi cho lên bếp rang cùng với mắm muối và cà chua. Đợi đến lúc cà chua tan nhuyễn và tép đã ngấm gia vị thì cho thêm lượng nước vừa ăn rồi đun sôi sau đó cho một nhón lá lằng đã thái nhỏ vào là đã có món canh ngọt mát.
Chi phí nguyên liệu rẻ, cách nấu đơn giản lại rất dễ ăn nên canh lằng được người dân Quỳnh Lưu sử dụng trong các bữa ăn hàng ngày.
Bà Đinh Thị Thủy ở làng Quỳnh Hưng cho hay: “ Chúng tôi ở đây cũng chả biết ai đã nghĩ ra món ăn này, chỉ biết là từ thời ông bà xa xưa đã nấu canh lá lằng để ăn hàng ngày. Thời ấy, quê tôi còn nghèo lắm, đến bữa mà không có tiền mua thức ăn thì chỉ cần ít đầu cá, đầu tôm nấu thành nồi canh lá lằng thì có nấu bao nhiêu cơm cũng ăn lhết.”
Bà Thủy cũng cho biết, canh lá lằng ngon nhất khi ăn cùng cơm trắng, cà muối và ít cá biển kho mặn. Vị đắng và ngọt thanh của lá lằng kết hợp với vị chua của cà pháo và mằn mặn của cá biển tạo nên một món ngon khó cưỡng. Lúc ăn,ta có cảm giác như tất cả hương vị của núi rừng và biển cả hòa quyện, đọng lại nơi đầu lưỡi.
Canh lằng còn là món ăn đãi khách đến chơi nhà.
Ngoài việc được sử dụng làm món ăn, lá lằng còn là một bài thuốc quý chữa mẩn ngứa, rôm sảy và có tác dụng tiêu hóa rất tốt.
Canh lá lằng không chỉ là món ăn dân giã “gây nghiện” không thể thiếu của người dân Quỳnh Lưu, mà giờ đây nó còn được rất nhiều du khách ngoài vùng biết đến. Lá lằng trở thành một nông sản hàng hóa được bày bán ở khắp các chợ lớn nhỏ ở xứ Nghệ và là món quà quê đặc sản dành cho các du khách gần xa.!