Trang chủ Ẩm thực Việt “Cồn cào” trước những món ăn đường phố không thể bỏ qua...

“Cồn cào” trước những món ăn đường phố không thể bỏ qua của Đà Lạt

0
2869

Thành phố Đà Lạt nằm trên cao nguyên Lâm Viên, thuộc vùng Tây Nguyên. Đà Lạt là một trong những điểm thu hút khách du lịch hàng đầu Việt Nam nhờ vào khí hậu quanh năm mát mẻ, trong lành, cảnh quan thơ mộng và người dân bản địa chân chất, thân thiện.

1. Bánh tráng nướng – Hoàng Diệu

Được mệnh danh là “pizza của Việt Nam”, bánh tráng nướng Đà Lạt không chỉ siêu ngon mà còn có “ngoại hình” vô cùng bắt mắt. Nguyên một chiếc bánh tráng “sống” được phết lên đủ các loại phô mai, pa tê, khô bò, trứng, hành… và nướng trên bếp than hồngtỏa ra hương thơm vô cùng hấp dẫn thực khách. Khi ăn chỉ cần cắt ra thành những miếng hình tam giác và thưởng thức như một chiếc bánh pizza thực thụ.

2. Xắp xắp (gỏi đu đủ) – Đống Đa

Theo người dân Đà Lạt lí giải cho cái tên gọi ngộ nghĩnh này thì do trong quá trình chế biến, người bán phải nhấp kéo liên tục để cắt những sợi đu đu sống, tạo nên tiếng động nghe như “xắp xắp” nên món gỏi đu đủ này được gọi là xắp xắp. Món ăn có cái tên gọi ngộ nghĩnh này gồm có đu đủ sống được xắt thành sợi mỏng trộn chung với khô bò, rau răm, đậu phộng, một chút nước sốt đặc biệt và trộn đều lên. Xắp xắp khá giống gỏi đu đủ (som tam) của Thái nhưng nguyên liệu có phần tối giản hơn, thích hợp để ăn vặt.

3. Kem bơ, kem trái cây – Nguyễn Văn Trỗi

Đà Lạt luôn mát lạnh quanh năm nhưng không vì thế mà những món lạnh như kem lại “thất sủng” ở xứ này, đặc biệt nổi tiếng phải kể đến 2 món kem là kem bơ và kem trái cây. Món ăn này có công thức đơn giản nhưng khiến nhiều bạn trẻ “phát cuồng”. Bơ sáp xay nhuyễn với đường, sữa đặc, sau đó thêm một viên kem vani (đa số do các cửa hàng tự làm) lên trên, rắc chút đậu phộng rang. Còn kem trái cây thì khá giống món trái cây tô ở Sài Gòn nhưng thay ya-ua bằng một viên kem. Vị kem thơm béo không quá ngọt hài hòa với bơ xay một cách hoàn hảo làm cho đêm Đà Lạt trở nên ngọt ngào hơn.

4. Mì Quảng Đà Lạt – hẻm ấp Ánh Sáng

Mì Quảng Đà Lạt bên ngoài có hình thức khá giống như mì Quảng “chính hiệu” tuy nhiên khi ăn bạn sẽ cảm nhận mùi tôm đậm đà và nhiều nước lèo hơn so với bản gốc. Vì là xứ sở của rau quả tươi nên khi ăn bạn phải cho thật nhiều loại rau vào tô mì thì mới đúng điệu và cảm nhận được trọn vẹn vị ngon của món này. Rau Đà Lạtluôn tươi, xanh, giòn và ngon mắt, càng làm cho tô mì Quảng Đà Lạt đáng nhớ hơn bao giờ hết.

5. Bánh mì xíu mại – ngã ba Trần Nhật Duật – Hoàng Diệu

Vì là xứ lạnh nên những món đặc sắc ở đây thường có 2 đặc điểm chính: nóng và cay. Bánh mì xíu mại không phải là một món “độc quyền” của Đà Lạt nhưng khi thưởng thức trong cái không khí lành lạnh của nơi này lại trở nên ngon “đột biến”. Những viên xíu mại tròn, cay nồng vị tiêu, mằn mặn béo béo được xắn nhỏ, kẹp vào bánh mì nóng giòn và chấm nước xíu mại rất thích hợp để vừa ăn bên những hàng quán lề đường vừa ngắm phố phường Đà Lạt.

6. Ya-ua Đà Lạt – gần chùa Tàu

Ya-uaĐà Lạt có vị rất riêng và đặc biệt thơm ngon nhờ lớp phô mai béo béo, chua chua trên bề mặt kết hợp với vị thơm lừng của sữa tươi phía dưới. Không gì tuyệt hơn được thưởng thức món ya-ua phô mai này sau một bữa chính no nê.

7. Bánh ướt lòng gà – Tăng Bạt Hổ

Món bánh ướt lòng gà Đà Lạt có thể xem là đặc sản của phố núi bởi sự độc đáo và lạ lẫm từ tên gọi đến hương vị của nó. Người ta dùng đĩa sâu lòng hoặc loại tô nông, cho bánh ướt nóng mới tráng vào, thêm một ít rau thơm, ớt thái lát cùng lòng gà xào chín và thịt gà lên trên rồi rắc thêm một chút tiêu. Kèm theo đĩa hoặc tô bánh ướt lòng gà là một chén nước mắm pha vừa ăn có một chút tỏi, ớt cay, ngọt dịu nhưng đậm vị. Vị dẻo thơm và rất mới của bánh ướt nóng mới tráng, chút béo ngậy của lòng gà và ngọt ngay của thịt gà vườn rất chắc, quyện trong vị nước chấm đậm đà, cay vừa phải thêm một chút nồng của ớt lẫn rau thơm khiến món bánh ướt ngon đến lạ lùng.

8. Nem nướng – Phan Đình Phùng

Thật ra món nem nướng ở Đà Lạt không khác gì so với nem nướng Sài Gòn, tuy nhiên chính nhờ khí hậu lành lạnh làm cho việc thưởng thức món ăn này trở nên ngon lành hơn gấp bội phần. Đặc biệt, nước chấm của nem nướng Đà Lạt được nấu từ xương heo ninh kĩ lọc lấy nước cốt cộng với tương hột xay, rồi đánh nhuyễn hai hỗn hợp này lại với nhau, sau đó nêm gia vị nước mắm, bột nêm cho vừa ăn, thêm vừng (mè) rang, khi nào ăn mới múc nước chấm ra chén cho nóng. Vị béo của thịt, ngọt của nước chấm, giòn của bánh tráng chắc chắn sẽ làm bạn thích thú.

9. Bánh căn – Tăng Bạt Hổ

Bánh căn Đà Lạt có cách chế biến không cầu kì, cũng được đổ khuôn bằng bột gạo, nhưng lại trở nên đa dạng khi kết hợp với nhiều loại nhân theo khẩu vị của thực khách. Nhân bánh có thể là trứng cút, trứng gà ta, trứng vịt được đổ trên mặt bánh khi phần bột đã se gần chín. Nếu không dùng trứng, thực khách có thể chọn cho mình nhân hải sản, không thì chút đậu xanh đã xôi chín vàng ươm rất bùi. Bánh căn khi đã đổ chín sẽ được bày thành từng cặp trên đĩa, được dùng kèm với một ít chả lụa, xíu mại và nước chấm. Nước chấm của món bánh căn Đà Lạt được pha chế rất khéo theo phong cách của người Đà Lạt gồm nước mắm pha với chút mỡ hành và chút ớt hoặc sa tế. Đôi khi nước chấm không phải là nước mắm pha mà lại là mắm nêm, cũng được pha chế rất nhẹ nhàng theo đúng vị của người Đà Lạt.

 

0 BÌNH LUẬN