“Bí mật” về bánh Trung thu ít người biết

Bánh Trung thu với người xưa ý niệm "tròn" của Trăng chính là cảnh quây quần đoàn tụ ăn bánh thưởng trăng thu. Từ ý niệm này nảy ra huyền thoại Nguyệt lão chắp mối tơ hồng cho trai gái kết hôn.

0
2861

Bánh Trung thu với người xưa ý niệm “tròn” của Trăng chính là cảnh quây quần đoàn tụ ăn bánh thưởng trăng thu. Từ ý niệm này nảy ra huyền thoại Nguyệt lão chắp mối tơ hồng cho trai gái kết hôn.

Bánh Trung thu cho ngày Rằm ý nghĩa

Bánh Trung thu thường có vào ngày Rằm tháng 8. Ở Việt Nam, Trung Quốc có tục thờ cúng mặt Trăng. Mùa thu khi vụ mùa kết thúc, thời tiết mát mẻ, người nông dân được nghỉ ngơi thường tụ tập để “thưởng trăng”. Và ngày Rằm tháng 8 được chọn để bày cỗ, rước đèn vui chơi… trở thành phong tục truyền thống.

"Bí mật" về bánh Trung thu ít người biết

Người xưa thường ăn bánh, uống trà sen và thưởng trăng. (Ảnh minh họa)

Tết Trung Thu là một ngày Tết lớn thứ hai trong năm để nhà nhà lo bánh trái, hoa quả trông trăng, vui chơi với các loại lồng đèn. Mâm cúng Tết Trung thu có hương hoa, trà quả (quả thường là ngũ quả), và không thể thiếu bánh nướng, bánh dẻo.

Người xưa gọi bánh nướng, bánh dẻo là Nguyệt Bính, hay Bánh Vầng Trăng. Đêm Trung thu, phụ nữ bày cỗ trông trăng, trổ tài gọt tỉa hoa quả, nặn bột thành con giống, đặc biệt là làm bánh nướng, bánh dẻo…

Mọi người ngắm trăng thu vằng vặc, uống chén trà thơm và ăn Nguyệt Bính. Ý niệm “Tròn” (viên) của Trăng là cảnh quây quần quy tụ thưởng Trăng. Từ ý niệm này, lại nảy sinh ra huyền thoại ông già dưới trăng “Nguyệt lão” chắp mối tơ hồng để trai gái kết hôn.

Tết Trung thu có ý nghĩa lớn, có giá trị truyền thống đặc biệt đối với các gia đình, thể hiện tình yêu thương và sự quan tâm, chia sẻ của mọi người với nhau.

Sắc thái bánh trông trăng Việt

Bánh Trung thu truyền thống vỏ mỏng (khoảng 1 cm), làm bằng bột mì, hương liệu, bọc khối nhân rất ngọt và hơi có dầu mỡ. Nhân bánh là những quả trứng muối tượng trưng cho trăng rằm. Bánh hình vuông, tròn đường kính 7 – 10 cm, dày 4–5 cm.

Bánh dẻo làm bằng bột nếp trắng tinh, tẩm nước hoa bưởi thơm nức. Nhân bánh làm từ hạt sen xay, đậu xanh, nhân thập cẩm (dăm bông, thịt quay, vi yến, dừa, hạt dưa, vỏ quít, ngó sen, bí đao…), bọc lòng đỏ trứng vịt muối, thập cẩm, thơm nức mùi vani, sầu riêng.

Chỉ có bánh dẻo mới nặn được thành nhiều hình thù độc, lạ, có cái lớn như chiếc mâm, thể hiện hình dáng của vầng trăng thu lớn và trắng ngà trong biểu tượng “đoàn viên gia đình”, nhất là tình yêu khắng khít vợ chồng

Bánh nướng dùng bột mì dậy men trộn với trứng gà, rượu làm vỏ, nhồi nhân. Khi bánh nướng mới ra lò ăn không ngon vì vỏ khô cứng, phải 3 ngày sau, mỡ trong lớp nhân mới rịn ra làm bánh ăn mềm và thơm ngon.

Bánh Trung thu truyền thống Hà Nội thường ngọt sắc hơn bánh Trung thu trong Nam. Bánh nướng Trung Hoa kiểu thức và khẩu vị đậm sắc thái vùng Quảng Đông. Bánh Trung thu có độ ngọt hơn rất nhiều so với độ ngọt phương Tây.

"Bí mật" về bánh Trung thu ít người biết

Bánh trung thu hiện đại nặn thành nhiều hình con giống. (Ảnh minh họa)

Bánh Trung thu hiện đại

Ngày nay bánh Trung thu hiện đại có nhiều kích cỡ to hơn, thậm chí khổng lồ. Mặt bánh có đóng dấu những chữ mang thông điệp tốt lành. Có nơi là khuôn Mặt Trăng, tỉ mỉ hơn có cả hình người phụ nữ trong trăng với một chú thỏ (tượng trưng cho Hằng Nga và Thỏ Ngọc).

Phụ nữ ngày nay nhiều người thích bánh Trung thu handmade, giá rẻ, cách tân cả kiểu dáng, nguyên liệu và nhân bánh. Nhân bánh truyền thống là trứng muối giờ được thay thế rất nhiều loại nhân khác. Hương liệu cũng nhiều mùi, từ cà phê, sôcôla, tới trái cây… Thập kỷ 1980 xuất hiện các loại bánh Trung thu làm lạnh (bánh dẻo lạnh). Những năm gần đây còn xuất hiện loại bánh Trung thu dành cho người ăn kiêng (bánh rung thu chay), và thường đắt hơn nhiều so với giá trị thực của bánh… và bị “biến tấu” phục vụ nhu cầu biếu xén (kèm chai rượu quý).

Bánh Trung thu hiện đại ngày nay phổ biến kiểu lợn mẹ với đàn con, cá chép… Màu sắc bánh hiện đại màu vàng đều, vỏ mềm, thơm đặc trưng. Bánh dẻo vỏ bánh mềm, mịn, không bị chảy nước.

Bánh có thể bảo quản lâu cả tháng, nhưng chỉ nên giữ khoảng 2 tuần, nếu thấy mùi khét dầu thì đừng ăn vì dễ sình bụng.

Sự tích bánh trung thu

Có một sự tích về Bánh Trung thu rất cảm động như sau:

Thuở xa xưa mọi vật bị bao trùm bởi ánh sáng rực rỡ của mặt trời, khiến mọi sinh linh kiệt quệ vì mất nước, mất sức sống, không có giấc ngủ ngon, con người đói khát vì hạn hán kéo dài.

Một bà mẹ không muốn các con mình và vạn vật chết nên quyết định ra đi tìm Thần Mặt Trời. Bà đi mãi đi mãi… Đến một ngọn núi thì kiệt sức ngã quỵ. Tình cờ Thỏ trắng thấy bà gặp nạn mới tìm nước cho bà uống. Nghe chuyện của bà, Thỏ trắng mủi lòng dẫn bà tới chỗ Thần Mặt Trời, kể nỗi thống khổ của nhân gian, cầu xin Thần ban mưa xuống, tắt bớt cái nắng mỗi ngày vài giờ để cho mọi người có giấc ngủ ngon, giữ sức để còn làm ăn sinh sống.

Thần vén mây nhìn xuống và kinh ngạc thấy nhân gian tiêu điều tàn úa, vạn vật vật vã trong nắng nóng… Thần buồn rầu bảo cái nắng góp phần xua đuổi tà ma dưới trần. Nếu bóng đêm ngự trị thì yêu ma sẽ lộng hành. Để cứu nhân gian cần có người hóa thân thành thứ ánh sáng nhỏ nhoi trong đêm dẫn con người tránh quỷ ma…

Bà nhận lời hy sinh thân mình ngay. Thần cho bà một ngày về hội ngộ với các con lần cuối. Hôm ấy là Rằm tháng 8, bà cùng các con làm bánh nướng, bánh dẻo vui vẻ bên nhau… Rồi theo lời Thần chỉ dẫn bà ra trước nhà, hướng mặt nhìn trời… Bỗng chốc bà thấy cơ thể mình nhẹ tênh và bay bổng lên không trung… Bà thấy mình hóa thân thành thứ ánh sáng lung linh dịu dàng tỏa xuống màn đêm nơi nhân gian, thấy cả căn nhà nhỏ với những đứa con thân yêu.

Thứ ánh sáng lung linh đó gọi là Ánh trăng, sáng tỏ nhất vào đêm 15, 16 âm lịch – là ngày hội ngộ của mẹ con họ. Cũng từ đó cứ đến Rằm tháng 8 các con bà đều làm bánh nướng, bánh dẻo dâng hương cúng mẹ, sau này gọi là bánh Trung thu.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here