Trang chủ Ẩm thực Việt Rau mồng tơi: Món ăn dân dã mà giàu dinh dưỡng

Rau mồng tơi: Món ăn dân dã mà giàu dinh dưỡng

0
1992

Rau mồng tơi là món ăn dân dã rất quen thuộc trong mâm cơm gia đình Việt với những món ăn ngon như canh rau mồng tơi, rau mồng tơi xào tỏi… Đây không những là món ăn giúp bạn tiêu hóa tốt hơn mà còn rất giàu dưỡng chất.

Mồng tơi là một trong những loại rau lá xanh bổ dưỡng và phổ biến trong các bữa ăn hàng ngày của người Việt Nam. Rau mồng tơi chứa ít calo và chất béo nhưng lại đồng thời chứa một lượng lớn các vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa và chất xơ.

Những giá trị dinh dưỡng nổi bật có thể kể đến của rau mồng tơi là có hàm lượng vitamin A cao, giàu vitamin C hơn cả rau bó xôi và giàu chất sắt giúp cơ thể sản sinh các tế bào hồng cầu khỏe mạnh.

Theo Đông y, rau mồng tơi có tính hàn, vị chua, tán nhiệt, mất máu, lợi tiểu, giải độc, đẹp da… rất thích hợp để giải nhiệt trong mùa nóng. Theo Tây y, ở trong mồng tơi còn chứa chất nhầy pectin rất quý. Chất này có tác dụng phòng chữa nhiều bệnh như giúp nhuận tràng, thải chất béo nhằm chống béo phì, thích hợp cho người có mỡ và đường cao trong máu.

Tác dụng của rau mồng tơi

 

Ngoài việc chế biến ra các món ăn ngon miệng cho cả nhà, tác dụng của rau mồng tơi đối với sức khỏe còn có rất nhiều. Mồng tơi có thể giúp bạn giảm cân, có đôi mắt sáng khỏe hay góp phần làm cho làn da được mịn màng và tươi trẻ.

1. Giảm cân

Chất nhầy chứa trong mồng tơi có tác dụng ngăn ngừa cơ thể hấp thu chất béo. Ngoài ra, rau mồng tơi còn chứa rất ít chất béo và calo nhưng lại giàu chất xơ. Trong 100g lá mồng tơi chỉ có 19 calo nên đây là loại thực phẩm rất phù hợp cho những ai muốn giảm cân.

Bạn nên bổ sung rau xanh, đặc biệt là mồng tơi vào chế độ ăn uống hàng ngày để có thể giảm cân nhanh chóng hơn mà không gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

2. Hỗ trợ hệ tiêu hóa

Thân và lá mồng tơi có chứa nhiều polysaccharide phi tinh bột, chất nhầy, chất xơ. Chất nhầy trong rau mồng tơi góp phần hỗ trợ tiêu hóa hoạt động tốt, trơn tru hơn. Chất xơ góp phần làm giảm hấp thu cholesterol cũng như ngăn ngừa các vấn đề về ruột như phòng tránh và điều trị táo bón.

Những người có tình trạng tỳ vị hư hàn như ăn uống không tiêu, đầy bụng, lạnh bụng, đau bụng, tiêu chảy, người bị đau nhức xương khớp, bắp thịt khi độ ẩm môi trường tăng thì không nên dùng hoặc dùng hạn chế.

3. Tốt cho xương khớp

Hàm lượng canxi cao trong mồng tơi giúp xương và răng chắc khỏe, cải thiện cơ bắp, hệ thần kinh và các hormone trong cơ thể. Điều này giúp ngăn ngừa nguy cơ loãng xương. Nhu cầu lượng canxi cần thiết hàng ngày cho người trưởng thành là 1.000 – 1.200 mg.

Trong một khẩu phần ăn nhỏ, rau mồng tơi có thể cung cấp tới 55mg canxi. Do đó, rau mồng tơi được chọn là một trong những thực phẩm cần thiết cho người muốn bổ sung canxi cho cơ thể.

4. Cải thiện thị lực

Rau mồng tơi với thành phần vitamin A dồi dào, có khoảng 8.000 IU trong 100g lá mồng tơi, đáp ứng đến 267% nhu cầu vitamin A hàng ngày của cơ thể. Vitamin A là một loại vitamin rất cần cho đôi mắt.

Ăn rau mồng tơi thường xuyên sẽ giúp cho mắt của bạn được hỗ trợ để trở nên khỏe mạnh hơn. Ngoài ra, vitamin A rất tốt cho hệ thống miễn dịch, giúp tạo ra các tế bào bạch cầu để ngăn ngừa vi khuẩn và virus.

5. Dưỡng da mịn màng

Rau mồng tơi giúp cho khí huyết lưu thông nên cũng giúp cho da dẻ mịn màng, tươi trẻ. Ngoài ra, mồng tơi còn cung cấp carotenoid và các chất có tác dụng chống oxy hóa như beta carotene, lutein và zeaxanthin… không chỉ giúp cơ thể chống lại bệnh tật mà còn ngăn ngừa quá trình lão hóa cho da.

Bạn có thể dưỡng da, làm mịn nếp nhăn ở mặt, chống thô ráp bằng mặt nạ rau mồng tơi thay vì ăn trực tiếp. Hãy lấy vài lá mồng tơi non giã lấy nước cốt, cho vài hạt muối, thoa đều lên mặt vài lần trước khi đi ngủ.

Cách nấu món ăn ngon từ rau mồng tơi

Một vài món ăn được chế biến từ mồng tơi bạn có thể thưởng thức để vừa làm đa dạng thêm bữa ăn gia đình vừa giúp cả nhà được khỏe mạnh hơn.

1. Cách nấu canh rau mồng tơi

 

Canh rau mồng tơi là món ăn rất tốt để giải nhiệt những ngày nắng nóng. Bạn có thể chế biến rau mồng tơi nấu với ngao, nấu chung với rau đay, hoặc nấu rau mồng tơi và cua. Món ăn phổ biến hơn cả là canh rau mồng tơi nấu với tôm.

Nguyên liệu

  • 1 bó mồng tơi
  • 300g tôm tươi
  • Hành tím
  • Dầu ăn
  • Muối
  • Hạt nêm
  • Bột ngọt
  • Tiêu

Cách làm

– Bóc vỏ, bỏ đầu, đuôi của tôm tươi. Sau đó, bạn ướp với hành tím cắt mỏng. Thêm vào 1/2 muỗng cà phê tiêu, 1/2 muỗng cà phê hạt nêm cho vừa ăn. Nhặt và rửa sạch rau mồng tơi. Nếu bạn dùng tôm khô thì chỉ cần ngâm tôm khô với nước ấm rồi rửa sạch, để ráo và làm tương tự như các bước sau.

– Tiếp theo, bạn làm nóng chảo dầu, thêm vào 2 muỗng canh dầu ăn rồi cho tôm tươi vào, đảo đều khoảng 1 phút. Sau đó bạn đổ hỗn hợp này vô nồi nấu canh phù hợp.

– Đổ thêm khoảng 350ml nước vào nồi. Trong khi nấu sôi lại thì bạn nêm thêm gia vị khoảng 1 muỗng cà phê muối, 1/2 muỗng cà phê bột ngọt sao cho vừa ăn. Cuối cùng mới cho rau mồng tơi vào nồi, thấy sôi lại lần nữa là tắt bếp.

Lưu ý: Muốn rau mồng tơi không nhớt, bạn cần đun nước thật sôi mới cho rau mồng tơi vào. Bạn có thể nêm nếm gia vị vừa ăn vào nước trước khi bỏ rau. Đối với món rau mồng tơi luộc thì bạn chỉ cần thêm chút muối vào nước để rau mồng tơi thêm xanh và ngon hơn.

2. Cách nấu rau mồng tơi xào tỏi

Đa số mọi người quen miệng với món rau muống xào tỏi, thực ra chế biến rau mồng tơi xào tỏi cũng thơm ngon không kém nhé.

Nguyên liệu

  • 1 bó rau mồng tơi
  • vài tép tỏi
  • 1 ít dầu ăn
  • Muối, hạt nêm, nước mắm

Cách làm

– Nhặt và rửa rau mồng tơi thật sạch. Bạn cần nhặt bỏ hết những phần lá già, úa. Sau đó, ngâm rau mồng tơi với nước muối rồi rửa sạch lại lần nữa và để cho rau ráo nước.

– Bóc vỏ và băm nhuyễn 2 tép tỏi, bạn có thể dùng nhiều hơn nếu muốn.

– Bắc chảo lên bếp, cho 2 thìa canh dầu ăn vào đun nóng già. Phi thơm tỏi, sau khi đã dậy mùi thì cho rau mồng tơi vào xào cùng và đảo đều tay. Chú ý vặn lửa thật to để rau xanh và giòn và không bị ra nước khi xào.

– Sau đó cho vào 1/4 muỗng cafe hạt nêm, 1/2 muỗng cafe nước mắm rồi đảo đều cho rau thấm gia vị. Tiếp tục đảo đều khoảng 2 – 3 phút sau là bạn có thể tắt bếp.

3. Cách nấu cháo thịt bò rau mồng tơi

Món cháo thịt bò rau mồng tơi có rất nhiều chất dinh dưỡng đồng thời khá thơm ngon nên được khá nhiều bà mẹ lựa chọn để làm món ăn dặm khi nhà có con nhỏ. Nếu bạn muốn ăn món ăn này thì có thể nêm nếm gia vị vừa ăn tùy ý bạn và thay bột gạo bằng gạo bình thường.

Nguyên liệu

  • 40g bột gạo trắng
  • 20g thịt bò tươi
  • 10g rau mồng tơi
  • 1 muỗng nhỏ cà phê dầu ăn
  • 1 chén nước sạch 250 ml
  • Gia vị: đường cát trắng, muối iot.

Cách làm

– Bạn nhặt và rửa sạch rau mồng tơi. Sau đó luộc chín và xay nhuyễn rau.

– Rửa sạch thịt bò. Tiếp theo trộn thịt bò tươi với một ít nước sạch cho thịt bò mềm rồi xay nhuyễn để khi nấu thịt bò không bị vón cục.

– Bắc nồi lên bếp và xào nấu thịt trên lửa nhỏ. Khi thịt chín thì tắt bếp, mang thịt xuống.

– Bạn dùng bột gạo nấu thành cháo. Sau đó cho hỗn hợp thịt bò và rau mồng tơi đã xay nhuyễn vào nồi. Đun cháo rau mồng tơi thịt bò với lửa nhỏ, đảo thật đều tay. Khi cháo sôi lên thì hớt bỏ đi bọt khí và 3 phút sau khi sôi thì bạn tắt bếp đi.

– Cuối cùng bạn cho 1 muỗng nhỏ dầu ăn vào cháo, nêm nếm gia vị nhạt một chút rồi trộn đều cháo lên. Đun thêm một chút nữa cho dầu chín thì tắt bếp. Lưu ý với trẻ nhỏ thì bạn không nên nêm mì chính hay các gia vị không thích hợp nhé.

Lưu ý khi ăn rau mồng tơi

Mồng tơi là loại rau rất tốt cho sức khỏe và khá phổ biến trong các bữa ăn hàng ngày của nhiều gia đình. Tuy nhiên, nếu ăn mồng tơi không đúng cách có thể đem lại những nguy hại cho sức khỏe. Do đó, bạn cần biết thêm một số lưu ý khi ăn loại rau này.

1. Chọn đúng rau mồng tơi sạch

Để đảm bảo sự an toàn cho sức khỏe thì điều đầu tiên cần lưu ý là bạn nên biết cách lựa chọn rau mồng tơi đúng chuẩn. Bạn cần chọn được đúng loại mồng tơi sạch, không ngâm hóa chất.

Ngoài ra, khi chế biến xong thì bạn cần ăn hết, nếu dư thì cần mang đi đổ chứ không nên ăn lại vì sẽ rất dễ bị ngộ độc thực phẩm. Bạn nên mua tại những nơi bán uy tín như siêu thị, cửa hàng rau sạch vì đây là một trong các loại rau dễ có hóa chất.

Hãy chọn loại rau nhỏ, nhìn hơi cứng nhưng khi ăn rất giòn và ngon. Tránh chọn rau có màu xanh mướt, thân mập, ngọn vươn dài. Trước khi chế biến thì bạn cần phải rửa sạch rau và ngâm qua nước muối hoặc nước gạo.

2. Không nên ăn rau mồng tơi sống

Các loại rau có nhiều chất nhầy như mồng tơi, mướp hương, đậu bắp, rau đay… đều cần được nấu chín kỹ. Việc ăn sống các loại rau này, trong đó có rau mồng tơi có thể gây ra tình trạng đầy bụng, khó tiêu cho bạn. Đặc biệt là những người ăn uống khó tiêu, thường bị đầy bụng, lạnh bụng hoặc gặp các vấn đề như đau nhức xương khớp, bắp thịt, cơ thể nặng nề thì nên hạn chế dùng để tránh làm cơ thể ốm yếu thêm.

Bạn nên nấu rau mồng tơi chín tới chứ không nên để rau bị sống hay chín kỹ. Ngoài ra, bạn không nên đậy nắp lại sau khi nấu, điều này giúp tận dụng được các chất dinh dưỡng có trong rau và giữ cho rau có màu xanh đẹp mắt.

3. Không nên ăn quá nhiều

Ăn nhiều mồng tơi gây khó chịu trong dạ dày bởi vì mồng tơi có chứa nhiều chất xơ. Mặc dù chất xơ rất cần thiết trong quá trình thúc đẩy tiêu hóa, tuy nhiên nếu ăn quá nhiều cùng một lúc có thể làm chậm quá trình chuyển hóa trong cơ thể dẫn đến tình trạng khó tiêu, đầy hơi, chuột rút. Ngoài ra, trong mồng tơi chứa axit oxalic, một loại chất hóa học liên kết với sắt và canxi khiến cơ thể khó hấp thu được những dưỡng chất quan trọng.

Uống một ly nước đầy mỗi khi ăn rau mồng tơi sẽ giúp quá trình tiêu thụ chất xơ trong cơ thể dễ hơn. Bạn có thể khắc phục tình trạng hấp thu kém bằng cách ăn kèm rau mồng tơi với thực phẩm giàu vitamin C hoặc uống nước cam, cà chua sau khi ăn.

4. Những người không nên ăn rau mồng tơi

Người bị sỏi thận không nên ăn rau mồng tơi vì rau mồng tơi chứa nhiều purin, hợp chất hữu cơ khi đi vào cơ thể sẽ biến thành axit uric làm tăng nguy cơ phát triển của sỏi thận. Các axit oxalic trong rau mồng tơi làm tăng nồng độ canxi oxalate trong nước tiểu, dẫn đến sỏi thận ngày càng phát triển. Người đang bị đau bụng, tiêu chảy nên hạn chế sử dụng vì sẽ làm tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn.

Nếu hệ tiêu hóa của bạn không tốt, bạn cần lưu ý điều này để không phải chịu hậu quả từ việc tiêu chảy. Đối với người bị sỏi thận thì ngoài rau mồng tơi, bạn cần tránh cả rau dền, rau muống, rau bina…

5. Vệ sinh răng miệng sau khi ăn

Một tác dụng phụ phổ biến nhưng vô hại của việc ăn rau mồng tơi đó là bạn có cảm giác như răng có mảng bám hoặc nhớt. Rau mồng tơi có chứa hàm lượng axit oxalic, đây là loại axit có chứa tinh thể nhỏ, không hòa tan trong nước, dễ bám vào răng. Do đó, khi ăn loại rau này sẽ khiến bạn cảm thấy mảng bám ở răng nhiều hơn.

Rau mồng tơi chứa chất gây mảng bám trên răng nên sau khi ăn rau mồng tơi thì bạn cần vệ sinh răng miệng sạch sẽ. Điều này sẽ giúp bạn luôn cảm thấy thoải mái, tự tin trong việc giao tiếp với người khác.

Rau mồng tơi tuy chỉ là một loại rau dân dã, phổ biến nhưng lại mang rất nhiều lợi ích cho cơ thể. Tuy nhiên, ngoài giá trị dinh dưỡng cao thì mồng tơi cũng gây ra nhiều vấn đề không tốt cho sức khỏe nếu bạn ăn quá nhiều loại rau này. Vì vậy, bạn hãy ăn rau mồng tơi một cách vừa phải để có thể tận dụng được những giá trị dinh dưỡng của rau mà vẫn khỏe mạnh nhé.

0 BÌNH LUẬN