Không phải ai cũng biết được hết những công dụng chữa bệnh tuyệt vời của họ nhà cải.
Không phải ai cũng biết được hết những công dụng chữa bệnh tuyệt vời của họ nhà cải.
Rau cải xanh, cải bắp, cải ngọt…là món rau có mặt hàng ngày trong bữa cơm của nhiều gia đình. Tuy nhiên không phải ai cũng biết được hết những công dụng chữa bệnh tuyệt vời của họ nhà cải.
Cải xanh
Cải xanh còn gọi là la thái, mao la, tuyết lý kỳ. Theo Đông y, cải xanh có tính ôn, vị cay, thuộc vào kinh phế tỳ, có tác dụng giải chứng cảm hàn, thông đàm, lợi khí… Cũng bởi có vị đắng nên người ta thường gọi là cải đắng hay còn gọi với tên khác là cải bẹ xanh.
Thành phần dinh dưỡng trong cải xanh cũng khá cao, đặc biệt là thành phần diệp hoàng tố và vitamin K. Ngoài ra, cải xanh còn có rất nhiều vitamin A, B, C, D, chất caroten, anbumin, axít nicotic… và là một trong những loại rau mà các nhà dinh dưỡng khuyên mọi người nên dùng thường xuyên để bảo vệ sức khỏe và phòng chống bệnh tật.
Cải xanh có thể kết hợp được nhiều loại thực phẩm, từ các loại thịt như thịt bò, thịt lợn đến các loại hải sản như cua, tôm, mực… Bạn cũng có thể đa dạng trong khâu chế biến món ăn với cải xanh như nấu canh, nấu lẩu, xào, các món cuốn như bánh xèo cuốn, cuốn diếp…
Với món canh thịt bò nấu cải xanh, thêm chút gừng lại rất thích hợp cho những người thường xuyên bị đau nhức xương cốt. Món ăn này cũng tốt cho những người thường xuyên bị đau đầu, giải được cảm mạo, phong hàn, ớn lạnh.
Bên cạnh đó, cải xanh còn rất nhiều công dụng chữa bệnh nếu đem kết hợp với những loại thực phẩm khác. Bệnh nhân viêm thận có thể lấy cái đắng đun nước uống thay trà hoặc đập 1 quả trứng gà vào, thêm tí muối, ngày ăn 1 lần vào bữa trưa.
Khi bị ho phong hàn, nhiều đờm, dùng thân lá cải xanh nhỏ nấu cháo ăn rất tốt. Trường hợp bị mẩn ngứa có thể dùng nước lá cải đun lên rửa sẽ hết ngứa.
Bệnh đầy hơi, khó chịu, lấy cải xanh non chần nước sôi, cho thêm dầu, muối, và ít rượu trộn đều rồi ăn, hoặc giã nát ép lấy nước uống. Với những bệnh nhân mắc bệnh gout, mỗi ngày đều đặn nấu cải xanh uống thay nước lọc, cơ thể thải ra chất acid uric, giảm thiểu đau đớn rõ rệt.
Cải xoong
Với hàm lượng vitamin, canxi, i-ốt… cao, rau cải xoong không chỉ giúp phòng bệnh tim mạch, chống lão hóa, bướu cổ mà cả sỏi gan, thận…
Kết quả phân tích các thành phần hoá học trong 100g rau cải xoong (phần dùng để ăn được) có 93g nước, protein 1,7 – 2g, chất béo 0,2 – 0,3g, gluxit 3 – 4g, chất xơ 0,8 – 1g, vitamin A, B1, B2, C và nhiều chất khoáng khác. Đặc biệt, lượng iốt và canxi trong rau cải xoong rất cao như canxi 20 – 30mg/100g và vitamin C 40 – 50mg/100g…
Nhờ trong rau cải xoong chứa lượng vitamin C cao, lại có vitamin A, B1, B2 nên đã giúp bảo vệ sức khoẻ, chống oxy hóa, chống độc, làm tăng sức đề kháng cho cơ thể, chống hiện tượng lão hoá bệnh lý, giữ gìn nét tươi trẻ.
Ngoài ra, nhiều yếu tố khoáng chất rất dễ hấp thu như canxi, i-ốt vì chúng đều ở dạng liên kết hữu cơ. Nếu lượng canxi đầy đủ mỗi ngày cho cơ thể là 1.000mg thì sẽ giúp người ta ít mắc bệnh tim và góp phần chống lão hoá.
Còn i-ốt cần cho tuyến giáp để phòng chống bướu cổ và tăng khả năng tự vệ cho cơ thể, tăng sự trao đổi chất của tế bào, chống còi xương và bệnh béo phì, các bệnh ngoài da, bệnh xơ cứng động mạch ở người già. Lượng i-ốt cần cho cơ thể rất nhỏ chỉ 0,1 – 0,15mg/ngày, nhưng thiếu lại sinh bệnh, như vậy mỗi ngày cần ăn rau cải xoong từ 9 – 10g là đủ lượng i-ốt trên.
Bên cạnh đó, cải xoong còn giúp tẩy độc, lợi tiểu, có nhiều chất xơ nên tác dụng tốt đối với dạ dày, thông gan mật và góp phần làm giảm bệnh ứ máu. Ăn rau cải xoong nấu với cá tươi có tác dụng giải nhiệt, phòng nhiệt, lợi tiểu, cầm máu, chữa bệnh phổi.
Chữa bí tiểu: Cải xoong tươi 45g, 20g củ hành tây, 15g củ cải trắng. Tất cả rửa sạch, cắt nhỏ, sấy khô sắc với 1 lít nước còn 300ml, chia uống 2 lần trong ngày. Dùng trong 7 ngày. Hoặc lấy rau cải xoong rửa sạch, để ráo, nhúng qua nước sôi trộn với dầu vừng (dầu mè) và giấm ăn trong ngày. Thực hiện liên tục trong 5 ngày.
Chữa nhiệt lưỡi, chảy máu chân răng do viêm lợi: Cải xoong 200g, rửa sạch nấu với cà rốt, nấu với 400ml còn 100, uống hoặc ngậm hàng ngày. Thực hiện bài thuốc này cho đến khi không còn bị nhiệt lưỡi và chảy máu chân răng.
Trị chứng viêm phế quản: dùng 100 – 200g rau cải xoong, 50g tía tô, 2 – 3 lát gừng tươi. Đem tất cả cho vào siêu đất, đổ 3 bát nước (bát ăn cơm) sắc còn 1 bát thì chia làm 3 phần, uống 3 lần, mỗi lần 1 phần, cách nhau 3 giờ.
Chữa đái đường: Lấy rau cải xoong, củ cải, cần tây, mùi tây (ngò tây), cà rốt, bắp cải mỗi thứ đều 100g như nhau, ép lấy nước cốt uống rất hiệu quả.
Cải ngọt
Cải ngọt là loài rau thuộc họ cải, rất dễ ăn và giàu chất dinh dưỡng. Theo Đông y, cải ngọt tính ôn, có công dụng thông lợi trường vị, làm đỡ tức ngực, tiêu thực hạ khí… có thể dùng để chữa các chứng ho, táo bón, ăn nhiều cải trắng giúp cho việc phòng ngừa bệnh trĩ và ung thư đại tràng.
Cải ngọt có thể chế biến thành các món ăn như cải ngọt xào thịt, canh cải ngọt nấu tôm, rau cải ngọt luộc chấm xì dầu, cải ngọt xào thịt bò, cải ngọt xào chân gà…, làm lẩu cá, lẩu thịt.
Cải thảo
Cải thảo là loại rau mọc nhiều ở miền Bắc và Đông Bắc Trung Quốc, vào hai mùa xuân và thu. Cải thảo có vị ngọt, tính mát, có tác dụng hạ khí, thanh nhiệt, chứa nhiều vitamin A, B, C, E. Hàm lượng nguyên tố vi lượng kẽm cao hơn cả thịt, cá.
Các nhà khoa học Mỹ phát hiện, sở dĩ phụ nữ Trung Quốc và Nhật Bản có tỉ lệ ung thư thấp hơn phụ nữ phương Tây là nhờ họ ăn nhiều cải thảo vì trong cải thảo có chất phân giải hormon nữ, liên quan tới ung thư vú.
Cải thảo có thể dùng nấu canh ăn như các loại rau cải khác, nấu canh với jămbông, gà, vịt, xương lợn. Cũng có thể lấy lõi bắp cuộn lại ăn sống, muối chua, làm nộm bằng cách trộn dầu giấm như rau xà lách; hoặc nấu lẩu, xào… Khi chế biến cải thảo, bạn không nên nấu chín quá sẽ làm cải mất độ ngon, giòn và các vitamin dễ tan ở nhiệt độ cao.
Cải trắng
Rau cải bẹ trắng còn gọi là rau cải trắng (tiếng Hán gọi là bạch thái hay bạch giới thái) chứa nhiều chất bổ và vitamin. Hạt cải trắng gọi là bạch giới tử, có vị cay, tính ấm, không độc, tiêu đờm, thuận khí, trị lao truyền nhiễm, đau phong.
Rau cải bẹ trắng chứa nguyên tố vi lượng cùng các hoạt chất thực vật đặc biệt là vitamin C, chống ôxy hoá mạnh. Các nhà dinh dưỡng học đã chứng minh, người lớn nếu một ngày ăn 500g cải trắng, lượng canxi, sắt, carpten và vitamin cầu thiết cho cơ thể sẽ được cung cấp nhiều, giúp đầu óc bình tĩnh, giảm mệt mỏi, giảm cholesterol…
Cải củ
Cải củ được trồng lấy lá non luộc ăn, lá già muối dưa và để lấy củ. Củ cải là loại thực phẩm tương đối dễ sử dụng. Có thể dùng chế biến nhiều món ăn như luộc, kho với thịt, cá; xào với mỡ, xào thịt; muối dưa ăn xổi, làm dưa ăn quanh năm (ngâm trong nước mắm), làm củ cải muối, phơi khô dự trữ để làm dưa góp.
Trong y học dân tộc, củ cải được dùng trong trường hợp ăn uống không ngon miệng, dùng trị bệnh hoại huyết, còi xương, lên men trong ruột, đau gan mạn tính, vàng da, sỏi mật, viêm khớp, thấp khớp và các bệnh về đường hô hấp (ho, hen).
Đông y cũng dùng củ cải chữa bệnh lỵ, giải độc và dùng ngoài đắp trị bỏng. Hạt dùng chữa chứng phong đờm, suyễn, lỵ, mụn nhọt, đại tiểu tiện không thông… Lá dùng chữa khản tiếng, chữa xuất huyết ở ruột.