Đặc sản Lạng Sơn du lịch Lạng Sơn cần biết

Lạng Sơn không chỉ có Nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh nổi tiếng, xứ Lạng còn có những món ăn thú vị khiến cho ai đã từng thưởng thức thì nhớ mãi.

0
3402

Lạng Sơn không chỉ có Nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh nổi tiếng, xứ Lạng còn có những món ăn thú vị khiến cho ai đã từng thưởng thức thì nhớ mãi.

Vịt quay

Một chuyến du lịch lên xứ Lạng, du khách nghĩ đến động Tam Thanh, Nhị Thanh, đến hòn Vọng Phu cô quả, đến phố Kỳ Lừa sầm uất mang đậm sắc thái miền rừng núi thâm u. Nhưng chắc chắn không một du khách nào lại thờ ơ với món vịt quay nổi tiếng Lạng Sơn.

Loại vịt được dân Lạng Sơn dùng để quay là vịt bầu Thất Khê, thịt dày mềm, xương nhỏ, vừa lớn tới, không già quá mà cũng không non. Nhưng chọn vịt chỉ mới là khâu đầu. Còn để thịt quay ngon, nằm ở khâu tẩm ướp. Người dân địa phương dùng nhiều loại lá rừng có vị thơm, trong đó không thể thiếu lá mắc mật, mật ong.

Kể tên một số gia vị, nghe đơn giản lắm nhưng những nhà hàng nổi tiếng Hà Nội đã cất công tẩm gia vị, lá thơm, ngó nghiêng học hỏi người địa phương. Nhưng khi món ăn đã bày lên bàn rồi, đó chỉ là món vịt quay bắt chước Lạng Sơn – Tràng Định chứ không mấy nhà hàng thực sự có vịt quay thuần túy xứ Lạng. Không hiểu có bí quyết gì ở trong bàn tay người Lạng Sơn không, để món ăn đặc sản này cho đến nay chỉ có Lạng Sơn mới có.

Sau khi tuyển chọn được vịt ưng ý, người ta vặt lông vịt như làm xiếc. Nhoáng trong dây lát, hàng chục con vịt đã được vặt sạch sẽ. Họ lấy hết ruột gan vịt rồi thổi cho da dẻ con vịt căng phồng lên. Nhúng nhanh vịt vào nồi nước sôi sùng sục cho thịt vịt se lại. Sau đó phết ra ngoài và cả trong bụng vịt một loại nước sền sệt, trong đó chủ yếu là mật ong thứ thiệt, ít xì dầu, đường mạch nha… tạo nên một màu nước quánh, nâu vàng.

Bụng vịt được nhồi nhiều thứ gia vị hái được trong rừng, trong đó đặc sắc nhất là lá mắc mật rồi khâu lại. Bước thứ hai sau sao tẩm là nướng nhẹ trên lò than hồng cho đến khi màu da vịt chuyển từ vàng sang nâu sẫm mới cho vào chảo mỡ hay dầu lạc nóng già đều tay lật con vịt qua lại. Người ngồi trong quán đến lúc này không yên vì hương vị từ bếp lò toả ra. Đó là một mùi thơm ngậy của mỡ dầu, của mật ong, của mắc mật và nhiều hương liệu hấp dẫn khác.

Khi ăn vịt quay, dân địa phương không bao giờ dùng nước mắm hay xì dầu. Họ có một loại nước chấm tự mình pha chế. Đó là thứ nước sóng sánh lấy từ bụng con vịt đã được quay chín cùng với một vài vị độc chiêu khác chỉ có nhà hàng biết với nhau thôi. Vịt quay hay nướng, không có nước chấm này, kém vị đi trông thấy.

Lúc này vịt được chặt ra từng miếng, hoặc dùng tay mà xé. Béo mà không ngậy. Ngọt mặn và có chút gì như nhân nhẩn chát, đắng của lá rừng. Ấy mới thực sự đặc sắc, hiếm ở đâu có. Bên bình rượu Bảo Sơn, trong tiết mưa dầm, se lạnh, ngồi với nhau trong liêu xiêu quán nhỏ biên giới, bạn sẽ cảm hết vị thơm ngon đậm đà của món đặc sản có một không hai của Lạng Sơn này.

Lợn quay

Thịt lợn quay ở Lạng Sơn ngon bởi nhiều thứ nhưng thứ gia vị chính để tạo hương vị đặc trưng là lá mác mật. “Mác mật” là tiếng dân tộc có nghĩa là quả ngọt. Quả mác mật có hình dáng và vị gần giống như quả quất hồng bì dưới xuôi nhưng nhỏ mịn và ngọt hơn. Lá mác mật dùng quay các loại thịt gia cầm như gà vịt, ngan ngỗng đều được và đưa lại vị thơm đặc biệt.

Đặc sản Lạng Sơn- Khúc biến tấu đầy thú vị
Thịt lợn quay ở Lạng Sơn ngon bởi nhiều thứ nhưng thứ gia vị chính để tạo hương vị đặc trưng là lá mác mật

Lá mác mật sau khi tẩm gia vị mắm muối mì chính húng lìu được nhồi cả vào bụng lợn đã cạo sạch lông, làm lông sạch sẽ, khâu kín lại và đem đến lò quay. Miếng thịt lợn quay đạt yêu cầu phụ thuộc vào đôi tay khéo léo của người quay.

Vừa quay người ta vừa phết đều mật ong hoà với nước lã lên mình con lợn, mật ong làm cho da lợn vàng bóng giòn tan; mật ong cũng có tác dụng giữ cho lợn khi quay nóng không bị nứt da . Đĩa thịt quay vàng ruộm ngon lànhdễ làm cho người thấy phải thèm thuồng vì lớp da phồng giòn, lớp nạc trắng hồng nằm đều giữa lớp mỡ mỏng mầu ngà, tất cả dậy lên thành mùi thơm của lá mác mật quyện mùi mật ong húng lìu càng làm ngát hương.

Lên thăm xứ Lạng du khách có thể thăm quan chợ biên giới rồi các động Tam Thanh, Nhị Thanh, thành nhà Hồ, chiều trở về có đĩa thịt quay ăn kèm với lọ măng ớt cũng là một đặc sản nữa của Lạng Sơn thấy trong lọ còn có ngâm thêm quả mác mật thơm thơm càng thấy mác mật là bí quyết để cho thịt quay thơm thêm gấp bội. Chẳng biết thịt lợn quay thiếu lá mác mật sẽ ra sao? Có còn thơm ngon nữa không?

Khau nhục

Khau nhục là món ăn không thể thiếu ở các dịp lễ tết, nhà mới, sinh nhật, đám cưới… của người Nùng, Tày ở Lạng Sơn.

Đây là món gia truyền, truyền thống của người Nùng, Tày nên ai cũng biết nấu.

Khau nhục là món ăn không thể thiếu ở các dịp lễ tết, nhà mới, sinh nhật, đám cưới… của người Nùng, Tày ở Lạng Sơn

Để có được món khau nhục ngon thì phải chọn tảng thịt heo ba chỉ thật ngon, có nhiều mỡ chút cũng được. Thịt được làm sạch, cắt ra từng miếng nặng khoảng 0,5-1 kg, luộc chín rồi vớt ra, lấy cây tăm nhọn xăm thịt với gừng tươi (xăm ở phần da heo) cho nước gừng tươi thấm vào thịt.

Khâu quan trọng nhất của món này là quá trình hấp thịt và gia vị. Sau khi chao cho miếng thịt thật vàng, để nguội, xắt thịt ra thành từng miếng dày khoảng 0,5 cm rồi xếp đều vào tô. Gia vị bao gồm nấm mèo thái nhỏ, lá mác mật, tiêu, bột ngọt, muối… xào sơ qua rồi cho vào tô thịt; sau đó sẽ được cho vào xoong hấp khoảng 2 tiếng đồng hồ cho thịt nhừ, giảm bớt mỡ, bớt ngậy.

Khau nhục làm xong có mùi thơm ngây ngất khó tả của lá mác mật, nấm mèo và các gia vị khác cộng với cái mềm dẻo, ít ngậy của miếng thịt làm cho người thưởng thức chỉ muốn ăn mãi.

Sống xa nhà, mặc dù được thưởng thức nhiều món ngon khác, nhưng đối với tôi thì khau nhục vẫn là ngon nhất, vì nguyên liệu là thịt heo lúc nào cũng sẵn có, lá mác mật nhà nào cũng trồng sẵn vài cây sau vườn, có dịp là ra vườn hái lá để dùng.

Phở chua

Đặc sản xứ Lạng này được chế biến khá cầu kỳ và có hương vị vô cùng hấp dẫn. Phở chua gồm hai phần: nguyên liệu khô và phần nước.

Về phần nước: Điều quyết định của phở chua Lạng Sơn chính là “nước đủ” hay còn gọi là “nước sốt”. Để có một nồi nước đủ ưng ý, người ta phải phi thơm hành, tỏi, rồi đun cùng với ớt, cà chua, dấm đường, đường, nước mắm, gừng. Sau đó, người ta cho bột lăng vào để “cô” cho sánh nồi nước đủ lại. Gia vị ‘hay’ nhất của nồi nước đủ chính là dấm đường. Đây là thứ dấm rất riêng của Lạng Sơn bởi nó được làm từ quả chuối tây chin.

Phần khô: Phần khô của món phở chua gồm nhiều thứ bánh phở, thịt xá xíu, lạc, hành khô, khoai lang hoặc khoai môn, dưa chuột, rau thơm…v.v. Ôi thôi đủ thứ!

Đặc sản Lạng Sơn- Khúc biến tấu đầy thú vị
Phở chua được người Lạng Sơn và du khách rất thích thú bởi nó ngon và có vị lạ miệng

Món xa xíu là miếng thịt lợn nạc, được thái to như bao thuốc lá, dày chừng 5cm được tẩm ướp với dầu hào, đường, màu điều rồi đem luộc gần chín. Sau đó, người ta vớt miếng thịt, để ráo nước rồi đem rán lên, thái nhỏ lát dài. Sau cùng là công đoạn rang lạc, bào nhỏ khoai lang (hoặc khoai môn) rồi chao dầu để làm giòn.

Đĩa phở chua sẽ được xếp lần lượt: Bánh phở, xá xíu, dưa chuột rồi dưới nước đủ vừa phải. Tiếp đó sẽ là lạc rang , khoai lang chiên, hành khô để lên trên.

Khi ăn, thực khách có thể trộn đều hoặc không. Món ăn này là món theo kiểu “hàn thực” nên rất thích hợp ăn vào mùa nóng. Tuy nhiên, nếu ăn vào mùa lạnh, thì bánh phở và nước đủ sẽ được hâm nóng trước khi đem ra cho khách.

Người ăn tùy khẩu vị của mình có thể thêm một chút chanh tươi, ớt hay tiêu… Gắp miếng phở chua, nhẩn nha thưởng thức vị giòn, bùi của khoai, lạc, vị ngậy của thịt xá xíu, cay của ớt, lại man mát của miếng dưa chuột và nhẩn nha thưởng thức thì quả là tuyệt thú. Nhất là, với những kẻ thích lang thang tới thiên sơn cùng cốc, tới các bản làng xa xôi để thưởng ngoạn thì những món ăn như phở chua mang đậm chất quê.

Nhiều miền biên giới phía bắc có phởi chua nhưng ngon nhất phải là phở chua Thất Khê (Lạng Sơn) và thị xã Cao Bằng

Món phở chua này có mặt ở xứ Lạng từ khi nào? Cũng không ai rõ. Người thì bảo, nó có bắt nguồn từ Trung Quốc, cũng có người nói nó là “khúc biến tấu” của phở Hà Nội, Nam Định… Chỉ biết, phở chua được người Lạng Sơn và du khách rất thích thú bởi nó ngon và có vị lạ miệng. Nhiều vùng biên giói phía Bắc có phở chua, nhưng ngon nhất phải là phở chua Thất Khê (Lạng Sơn) và thị xã Cao Bằng.

Rượu mẫu sơn

Rượu mẫu sơn: nổi tiếng thơm ngon, không quá cay nồng mà cũng không quá nhạt. Rượu Mẫu Sơn mang cái ấm nóng xua tan bầu không khí giá lạnh, mang cái vị man mát của núi rừng Mẫu Sơn. Rượu được lên men từ lá cây rừng (men lá) và nguồn nước mạch tinh khiết trên đỉnh núi cao. Sau khi quá trình ủ rượu đã hoàn thành sẽ được chưng cất ở nhiệt độ cao trên đỉnh Mẫu Sơn trong lành quanh năm mây mù phủ kín.

Đặc sản Lạng Sơn- Khúc biến tấu đầy thú vị
rượu mẫu sơn

Với rượu Mẫu Sơn chính gốc, lỡ khi quá chén không hề gây đau đầu… Người nấu rượu lâu năm không cần nếm cũng có thể thẩm định được chất lượng của rượu bằng cách lắng nghe tiếng rơi của rượu trong vại sành lúc chưng cất và hương rượu thoáng qua.

Theo những người sành rượu, rượu Mẫu Sơn có những nét riêng ít loại rượu nào có được. Đưa rượu lên rót nghe thánh thót trong veo, hơi rượu thơm nồng, nước rượu trong như pha lê. Rượu rót ra chén sủi bọt sủi tăm, uống vào không có cảm giác gắt, hay nóng cháy cổ khiến người ta giật mình, e ngại.

Tiếng lành đồn xa, rượu Mẫu Sơn không còn bó hẹp trong không gian thôn làng nữa mà vươn đến các địa phương khác. Nhiều người khi ghé qua đất Lạng Sơn đều muốn nếm thử một lần cho biết hoặc mua một ít về làm quà biếu người thân.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here